Khóa đào tạo Giáo viên Quốc tế AMEB là sự hợp tác giữa Hội đồng Chấm thi Âm nhạc Quốc gia Australia và Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, dành cho các giáo viên và sinh viên âm nhạc mong muốn học hỏi và trau dồi kỹ năng sư phạm, tìm hiểu về cấu trúc giáo trình, phương pháp giảng dạy giáo trình AMEB và các yêu cầu của kỳ thi chứng chỉ AMEB dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia đầu ngành của AMEB và Việt Nam. Sau 2 tuần với 2 khóa đào tạo Level 1 và Level 2, các học viên đã tham gia kỳ thi cuối khóa để nhận Chứng chỉ Giáo viên Quốc tế AMEB với những kết quả xuất sắc.
Hãy cùng gặp gỡ Nguyễn Bá Duy Anh – Thủ khoa kỳ thi Chứng chỉ Giáo viên Quốc tế AMEB năm 2023, để nghe những chia sẻ về Khóa đào tạo cũng như những dự định của bạn từ khóa học với AMEB.
Chào Duy Anh, bạn có thể giới thiệu đôi nét về bản thân mình cho mọi người cùng biết được không?
Mình là Nguyễn Bá Duy Anh, hiện là sinh viên năm thứ 3, hệ Đại học chính quy, Chuyên ngành Piano tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Với mong muốn đem lại nguồn cảm hứng cũng như nền tảng tốt về âm nhạc cổ điển cho các bạn trẻ, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, mình đã quyết định cho ra đời DuyAnh’s Piano Class, với các lớp học dành cho các bạn học sinh mới bắt đầu học Piano đến những bạn đã đạt ở mức level nhất định có mong muốn theo học nâng cao hơn hay theo đuổi Piano chuyên nghiệp.
Nhờ đâu bạn biết đến Chứng chỉ AMEB và Khóa đào tạo Giáo viên Quốc tế AMEB?
Nhờ những tiện ích của mạng xã hội như Facebook hay Instagram mà không quá khó khăn để biết đến các thông tin về Chứng chỉ AMEB cũng như Khoá đào tạo Giáo viên Quốc tế AMEB. Mình cũng là một trong số những người biết đến AMEB thông qua các kênh thông tin này. Hy vọng sắp tới AMEB sẽ đẩy mạnh truyền thông hơn nữa về thông tin các kỳ thi, khoá học cũng như thông tin về giáo viên AMEB qua các trang mạng xã hội này để phụ huynh, học sinh có thể truy cập một cách dễ dàng.
Cảm nghĩ của bạn ra sao sau khi tham gia kỳ thi Chứng chỉ Giáo viên Quốc tế AMEB?
Mình cảm thấy may mắn bởi không chỉ thu nhận được những kiến thức chuyên môn về âm nhạc cũng như giáo dục âm nhạc, mình còn có cơ hội gặp gỡ và giao lưu với các chuyên gia đến từ AMEB và Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Những lời góp ý quý giá của các chuyên gia về bài luận cá nhân đã giúp mình hoàn thiện hơn và sẵn sàng hiện thực hoá những ý tưởng của mình trong việc hướng dẫn các bạn học sinh tiếp cận với các tác phẩm âm nhạc. May mắn trở thành người có kết quả cao nhất trong kỳ thi Chứng chỉ Giáo viên Quốc tế AMEB, mình hy vọng sẽ truyền được cảm hứng cũng như kinh nghiệm cho ngày càng nhiều các bạn học sinh đam mê âm nhạc.
Sau khóa học, bạn thấy mình đã có thêm những kiến thức, kinh nghiệm gì để áp dụng vào việc giảng dạy và hướng dẫn học sinh?
Mình luôn cho rằng việc định hướng các bạn học sinh ở những level ban đầu là điều không hề dễ dàng, thậm chí còn khó khăn hơn việc hướng dẫn các bạn đã đạt ở mức level cao. Qua những chia sẻ của các chuyên gia trong khoá học, mình đã tích luỹ được thêm khá nhiều những phương pháp giảng dạy, cũng như những giải pháp về mặt kỹ thuật khi hướng dẫn học sinh. Ví dụ, đối với việc cân bằng âm lượng giữa hay tay, học sinh có thể tập cảm nhận sức nặng của cả cánh tay ở tay cần đánh to và sự nhẹ nhõm ở các ngón của tay cần đánh nhỏ bằng việc mang hai vật với độ nặng nhẹ khác nhau. Ngoài ra, những giải pháp về việc hướng dẫn cách phân bổ đều lực cho các ngón tay, hay tập chơi tác phẩm từ đánh “thô” đến “tinh xảo”… cũng là những nền tảng tốt để cải thiện về mặt kỹ thuật cho học sinh ở những giai đoạn đầu học chơi Piano.
Qua thời gian nghiên cứu, bạn đánh giá về bộ giáo trình AMEB như thế nào? Bạn đã giảng dạy giáo trình AMEB cho học sinh của mình như thế nào?
Mình nhận thấy AMEB cho ra đời những bộ giáo trình mang tính hệ thống cao, có sự phân cấp rõ ràng và đồng thời đa dạng về thể loại, phong cách cũng như thời kỳ âm nhạc. Học sinh có thể theo học bộ giáo trình AMEB ngay từ những level thấp nhất dành cho người mới bắt đầu sau đó lên dần đến các Grade cao hơn và có cơ hội tiếp xúc với các tác phẩm trải dài ở các thời kỳ khác nhau như Baroque, Cổ điển, Lãng mạn, Hiện đại… Bên cạnh đó, bộ giáo trình “Piano for Leisure”, vốn là “đặc sản” của AMEB cũng rất phong phú với các thể loại như Jazz, nhạc phim, các bài hát chuyển soạn cho Piano…
Chính vì những ưu điểm nói trên của bộ giáo trình AMEB, khi giảng dạy cho học sinh theo bộ giáo trình này, mình cảm thấy dễ dàng trong việc lựa chọn các tác phẩm phù hợp với thế mạnh cũng như sở thích của từng học sinh. Đối với mỗi tác phẩm trong giáo trình, mình luôn định hướng các bạn học sinh tiếp cận theo 3 bước: (1) tìm hiểu về tác giả và đặc trưng âm nhạc của tác phẩm; (2) vỡ bài theo những chỉ dẫn có trong bản nhạc; và (3) thực hiện những ý tưởng cá nhân hay những điều không xuất hiện trong bản nhạc, cũng là bước thử thách nhất.
Bạn đã có dự định nào cho tương lai với AMEB?
Chắc chắn rằng trong thời gian sớm nhất các bộ giáo trình của AMEB sẽ được đưa vào giảng dạy tại DuyAnh’s Piano Class. Trong thời gian tới, DuyAnh’s Piano Class sẽ được truyền thông trên các trang mạng xã hội để có thể đến với nhiều các bạn trẻ hơn. Mình cũng hy vọng rằng sẽ kết nối và xây dựng được mạng lưới các chuyên gia cũng như giảng viên âm nhạc không chỉ tại Việt Nam hay Úc mà cả các quốc gia khác để thông qua giảng dạy AMEB có thể cùng nâng cao trình độ, đời sống âm nhạc tại nhiều nơi trên thế giới.
Cảm ơn bạn đã tham gia buổi phỏng vấn hôm nay, chúc bạn nhiều sức khỏe, học tập thật tốt và luôn thành công trên con đường đã chọn nhé!